Luật nhập cư Đức có sự thay đổi mới – VTV đưa tin

04/04/2023 | Đăng bởi : admin

Những điểm đáng lưu ý trong luật nhập cư mới của Đức

Nước Đức đang thiếu khoảng 2 triệu lao động trong nhiều lĩnh vực, từ y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghiệp sản xuất, tới dịch vụ công. Nhằm khắc phục tình trạng này, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố dự thảo cải cách về nhập cư.

Cơ chế tính điểm theo 5 tiêu chí

Một cơ chế tính điểm dành cho những người chưa đặt chân vào Đức, dựa trên 5 tiêu chí:

– Bằng cấp, trình độ

– Biết tiếng Đức

– Đã có kinh nghiệm nghề nghiệp

– Có liên hệ với nước Đức hoặc với người đang sống ở Đức

– Tuổi dưới 35

Những người thỏa mãn các tiêu chí trên sẽ được phép tạm cư tại Đức, kể cả khi chưa có hợp đồng lao động với doanh nghiệp nào tại Đức.

Những điểm đáng lưu ý trong luật nhập cư mới của Đức
Những điểm đáng lưu ý trong luật nhập cư mới của Đức

Tối đa 1 năm, làm việc 20 giờ/tuần

Những người sở hữu bằng cấp học thuật hoặc chứng chỉ nghề có thể ở lại Đức tối đa 1 năm trong khi tìm kiếm việc làm. Họ sẽ được phép làm việc tới 20 giờ mỗi tuần trong khi tìm kiếm việc làm lâu dài.

Hơn 2 năm kinh nghiệm, có kinh nghiệm về công nghệ thông tin thì không cần biết tiếng Đức, không cần bằng Đại học

Người lao động nước ngoài có hơn 2 năm kinh nghiệm nghề nghiệp sẽ được tạo điều kiện định cư tại Đức. Đặc biệt, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì không cần phải chứng minh là có biết tiếng Đức và không cần có bằng Đại học.

Đăng ký quốc tịch sau 3 – 5 năm cư trú

Dự thảo luật còn cho phép người nước ngoài đăng ký quốc tịch sau 5 năm cư trú tại Đức thay vì 8 năm như hiện tại. Những người có nỗ lực đặc biệt để hòa nhập xã hội, chẳng hạn như thông thạo tiếng Đức, sẽ đủ điều kiện nộp đơn sau 3 năm.

Cho phép mang 2 quốc tịch

Bên cạnh đó, dự thảo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm mang hai quốc tịch đối với những người đến từ các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu (EU), nghĩa là những người nhập cư sẽ không còn phải từ bỏ quốc tịch gốc.

Điểm đáng lưu ý trong luật nhập cư mới của Đức

Luật nhập cư mới của Đức đã nới lỏng tới mức coi chứng chỉ nghề chỉ là một thủ tục hành chính. Trước đây, có chứng chỉ nghề nào là có thể xin thẻ tạm cư vào Đức làm nghề đó. Tuy nhiên, theo luật mới, miễn là có chứng chỉ nghề, mọi người đều có thể tới Đức tìm việc, nếu tại Đức có học nghề khác và làm một nghề khác không liên quan tới chứng chỉ ban đầu thì cũng không sao.

Luật mới cũng dự kiến trợ cấp cho những doanh nghiệp tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho nhân công của mình. Luật mới còn đơn giản hoá nhiều thủ tục. Một kỹ thuật viên cơ khí đã làm việc hơn 2 năm ở một nước khác chỉ cần có được công ty tại Đức tuyển dụng là được phép nhập cư vào Đức làm việc.

Cơ chế tính điểm trong luật nhập cư mới của Đức

Về cơ chế tính điểm, nước Đức dự định làm theo cách mà Canada đã áp dụng từ lâu. Theo báo chí Đức, có bằng cấp chuyên môn về một nghề nào đó thì được tính 4 điểm; biết tiếng Đức hay tiếng Anh được tính 3 điểm; dưới 35 tuổi được thêm 2 điểm.

Với các tiêu chí khác như đã từng có kinh nghiệm trong một ngành nghề nào đó, có mối liên hệ nào đó với nước Đức hoặc kết hôn với người có quốc tịch Đức cũng sẽ được tính điểm tuỳ từng trường hợp.

Không nhất thiết phải đáp ứng mọi tiêu chí, miễn là tổng số trên 6 điểm thì bạn sẽ được cấp thẻ tạm cư. Như vậy, nếu đạt được những tiêu chí khác đủ cao, bạn không cần phải biết tiếng Đức cũng có thể tới Đức tìm việc làm.

Rào cản đối với lao động nhập cư tại Đức

Nới lỏng chính sách nhập cư được kỳ vọng sẽ tăng sức hút của thị trường lao động tại Đức. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, Đức vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để giữ chân được lao động trình độ cao người nước ngoài.

Hiện nay, vẫn tồn tại nhiều rào cản đối với người di cư muốn sinh sống và lao động tại Đức. Anh Ajay Mauray, người Ấn Độ, đã đến Đức làm việc từ 1 năm nay.

Rào cản ngôn ngữ
Rào cản ngôn ngữ

“Ngôn ngữ là một rào cản. So sánh với các nước khác thì đời sống và con người ở đây đều tốt. Nhưng tiếng Đức thì rất khó. Lúc đầu, tôi cứ nghĩ sẽ chỉ mất từ 3 đến 6 tháng để có thể thoải mái giao tiếp bằng tiếng Đức. Nhưng không hề đơn giản. Chắc phải mất nhiều năm” – anh Ajay Mauray, lập trình viên, chia sẻ .

Thủ tục hành chính phức tạp cũng khiến nhiều lao động nhập cư gặp nhiều khó khăn khi sinh sống tại Đức. Đơn cử như việc chuyển đổi công việc hoặc đưa người thân sang đoàn tụ.

Ông Michael Brull – Quản lý nhân sự cấp cao của Công ty Fresenius – cho rằng: “Những người sử dụng lao động sẽ được hưởng lợi khi các thủ tục được đơn giản hóa. Ví dụ như đơn giản hóa các loại giấy tờ phải điền, đơn giản hóa thủ tục công nhận bằng cấp, chứng chỉ. Chúng tôi sẽ rất vui mừng nếu có thể nộp thẳng các giấy tờ này bằng tiếng Anh”.

“Chúng ta phải đảm bảo sẽ giảm thiểu tối đa những rào cản. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, như đặt lịch phỏng vấn xin thị thực hoặc công nhận bằng cấp. Vì mọi người sẽ so sánh Đức với những nước khác không có các rào cản đó” – ông Ehsan Vallizadeh từ Viện Nghiên cứu Việc làm, Nuremberg cho biết.

Dự thảo cải cách về nhập cư là một sự khởi đầu, một dấu hiệu cho thấy Đức đang hướng tới chính sách nhập cư cởi mở hơn.

Dự thảo cải cách về nhập cư ước tính có thể làm tăng số lượng nhân công từ các nước ngoài EU đến Đức thêm 60 nghìn người mỗi năm. Con số này gần gấp đôi so với năm 2019, trước đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, dự luật này còn phải trình lên hai viện của Quốc hội để thông qua trong những tháng tới.

Nguồn: vtv.vn

Trả lời